Phần lớn lễ hội mang tính vụ lợi - Văn hóa - Giải trí - Tuổi Trẻ Online | Đọc báo 24h,xem tin tức mới,tin tức hàng ngày

Cảnh hỗn loạn tại hội Gióng, Sóc Sơn, Hà Nội - Ảnh: Nguyên Vương
Bây giờ những lễ hội ở Việt Nam phần nhiều đều mang tính vụ lợi, người tham dự lễ hội vụ lợi, những người tổ chức lễ hội cũng vụ lợi
GS NGÔ ĐỨC THỊNH

Chiều 25-2, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tô Văn Động - giám đốc Sở VH-TT&DL TP Hà Nội - cho biết sáng 25-2 sở phối hợp với Công an TP đã lập đoàn đến lễ hội Gióng để kiểm tra sự việc các thanh niên dùng gậy đánh nhau tại đây ngày hôm trước.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh khi xảy ra việc đánh nhau tại lễ hội thì đó là trách nhiệm của bên an ninh chứ không phải của bên văn hóa.

Khi được hỏi về sự việc này, các nhà nghiên cứu văn hóa sau khi xem video và hình ảnh các thanh niên gây hỗn loạn tại hội Gióng sáng 24-2 đều khẳng định đây là cuộc đánh nhau chứ không phải tục cướp hoa tre và trầu cau như truyền thống.

GS Ngô Đức Thịnh, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, cho biết ông đã hai lần trực tiếp tham dự tục cướp hoa tre ở hội Gióng và khẳng định không có tục cướp hoa tre nào mà các thanh niên lại cầm gậy đánh nhau như vậy.

Ông phân tích: "Cướp hoa tre là phong tục ở hội Gióng và phổ biến ở nhiều lễ hội khác, vì người dân quan niệm cướp được hoa tre là điều may mắn. Hoa tre được làm bằng một thanh tre đã tước ngọn. Nhưng hoa tre bao giờ cũng ít hơn người dự và phải tranh nhau mới có được. Sau khi rước kiệu lên lễ thánh rồi thì mới tung hoa tre để mọi người cướp. Vì hoa tre không đủ cho số người tham dự nên phải có tục cướp hoa tre. Đây hoàn toàn là phong tục".

GS Ngô Đức Thịnh khẳng định rõ đây là cuộc đánh nhau, cần phải phê phán chứ không phải là tục cướp hoa tre: "Hôm qua tôi xem clip thấy đoàn rước kiệu hoa tre đang đi thì có một đám thanh niên nhảy lên cướp hoa tre đó, và những người đi bảo vệ hoa tre ngăn lại nên hai bên đánh nhau. Đây là đánh nhau chứ không phải cướp hoa tre như phong tục".

GS Thịnh nói thêm: "Tôi thấy những năm trước đã có hiện tượng lợi dụng tục cướp này để mưu đồ trả thù cá nhân. Như một năm tôi dự thì thấy một thanh niên đã trả thù một thanh niên khác. Những thanh niên đó không tuân thủ nguyên tắc của tục cướp hoa tre, khi chưa tung hoa tre lên đã cướp rồi. Và những người bảo vệ, theo tôi, họ làm hơi quá khi cầm gậy đánh lại".

Ông cũng phân tích để xảy ra sự việc đó vừa do khâu tổ chức của ban quản lý lễ hội còn thiếu sót, vừa do những thanh niên đã thực hiện không đúng phong tục và những người bảo vệ can thiệp có phần thái quá.

Ông chỉ ra nguyên nhân sâu xa của tính bạo lực đang ngày càng gia tăng trong các lễ hội truyền thống của người Việt: "Bây giờ những lễ hội ở Việt Nam phần nhiều đều mang tính vụ lợi, người tham dự lễ hội vụ lợi, những người tổ chức lễ hội cũng vụ lợi. Nên tính thiêng liêng trong lễ hội mất đi và bạo lực gia tăng. Bây giờ đi lễ hội không phải như ngày xưa để tìm sự thanh thản trong tâm hồn và mọi người đến lễ hội với những gì thanh sạch nhất của họ. Bây giờ họ đến lễ hội để xin cái này cái khác, nhưng hầu như họ thiếu kiến thức về tín ngưỡng. Bạo lực cũng từ đó mà ra".

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Lê Trung Vũ - Viện Văn hóa dân gian - cho rằng: "Tục cướp hoa tre ở hội Gióng chỉ là việc giằng lấy hoa tre, ai lấy được thì chạy đi, chứ tuyệt đối không có hiện tượng người này đánh người khác để cướp lấy hoa tre. Sự việc đánh nhau để cướp hoa tre là sai với tục lệ truyền thống".

<> VŨ VIẾT TUÂN <>

Đăng nhận xét

 
Top