Trường hợp bé gái hơn 1 tháng tuổi ở Thạch Thất, Hà Nội có thể nói các từ “bà ơi, mẹ ơi, bố ơi” đang thu hút sư quan tâm của dư luận.
<> <> Những ngày vừa qua, clip bé gái biết nói từ 1 tháng tuổi đang gây xôn xao dư luận. Bé gái có khả năng đặc biệt trên có tên gọi ở nhà là Cún sinh ngày 13/12/2014, bé là con gái đầu lòng của chị Kiều Thị Hương (SN 1987) ở xã Cần Kiệm, Thạch Thất, Hà Nội.
Theo người nhà bé, khi cháu bé tròn 1 tháng tuổi, mẹ con chị Hương chuyển sang nhà ngoại. Ở đến ngày thứ 3 thì cháu bắt đầu gọi ba. Sang ngày thứ 5 thì cháu bé gọi rõ và nhiều hơn. Cháu bé thường hay gọi ông, bà, bố, mẹ vào những lúc thay bỉm hoặc khi cháu tắm xong. Không chỉ gọi được những câu như “bà ơi”, “mẹ ơi” mà cháu bé còn gọi được những câu như “ba ơi bầm”.
Trao đổi trên báo Gia đình và xã hội về trường hợp em bé kỳ lạ này, PGS.TS.Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Võ Kỳ Anh (Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục và phát triển tiềm năng con người) cho rằng, khoa học đã chứng minh trẻ em ngay trong bào thai đã có thể phát triển về thần kinh và giác quan của nó.
Ở giai đoạn sơ sinh, một tuổi thì trẻ có những phát triển đột biến về ngôn ngữ thông qua tương tác của người mẹ giáo dục trong giai đoạn bào thai thì trẻ có thể phát triển sớm được (phương pháp thai giáo).
Ở trẻ bình thường có thể chậm hơn. Đặc biệt khi trẻ ra đời được tiếp xúc ngay với người mẹ, môi trường xung quanh người thân, trẻ có thể phát triển ngôn ngữ sớm hơn so với những đứa trẻ khác, gọi là phát triển vượt trội.
Tùy theo mỗi trẻ, nhưng khoảng 11 tháng tuổi trở đi, trẻ đã có thể nói được 2 – 3 từ đơn khá rõ ràng. Đến khi trẻ được 3 – 4 tuổi, trẻ đã có thể nói được những câu phức tạp và bắt đầu sử dụng ngôn ngữ một cách khá tốt. Trẻ biết nói sớm hay muộn, nói chuẩn hay ngọng, phần lớn đều là ở sự dạy dỗ và uốn nắn của người lớn. Bởi vậy khuyến khích cha mẹ phải nói chuẩn với trẻ ngay từ đầu.
Ngược lại, những đứa trẻ nói chậm cũng do không được chú ý đến giáo dục sớm. Trẻ từ năm rưỡi không nói được là cần phải suy nghĩ. Hiện chúng ta chỉ quan tâm đến những trẻ lớn mà không quan tâm đến giáo dục những trẻ dưới mẫu giáo (tức dưới 3 tuổi). Việc chỉ chăm lo ăn, ngủ của trẻ là không đủ. Trẻ cần giáo dục về ngôn ngữ.
“Để trẻ nói nhanh hơn, cha mẹ cần cho trẻ tiếp cận với ngôn ngữ của mình và những người xung quanh thông qua nói chuyện thường xuyên với trẻ. Thứ 2, cho trẻ xem tranh ảnh và nói cho trẻ biết về nó. Cho trẻ nghe những lời ru, bài hát thiếu nhi, nghe âm nhạc…” . PGS.TS Kỳ Anh khuyên.
Tuy nhiên, PGS. TS Kỳ Anh cũng cho rằng, con người có khả năng đặc biệt là điều mà khoa học đã ghi nhận nhưng không phải trường hợp nào gia đình phản ánh cũng là sự thật.
Đã có những trường hợp nói sớm khi 3 tháng tuổi, còn trường hợp mới được 1 tháng tuổi biết nói này không chắc là có đúng hay không. Những người có khả năng đặc biệt phải duy trì được trong thời gian nhất định chứ không phải nói một vài lần rồi không lặp lại được nữa. Bởi vậy để khẳng định phải theo dõi một quá trình dài.
Em bé 1 tháng tuổi đã biết nói là một trong những trường hợp khá hy hữu về khả năng của trẻ em Việt Nam. Như cô bé Đặng Thị Quỳnh Anh 2 tuổi biết đọc, 3 tuổi biết làm toán ở Thanh Hoá. Ngoài ra, cũng từ khi 3 tuổi, cháu đã thuộc bảng chữ cái bằng tiếng Anh, gọi tên đồ vật, con vật bằng tiếng Anh.
Hoặc trường hợp bé Nguyễn Nhật Minh ở Hà Đông (Hà Nội) dù mới 2 tuổi đã có thể giao tiếp tiếng Anh một cách đơn giản với thầy giáo dù tiếng mẹ đẻ còn nói chưa sõi.
Hay bé Nguyễn Ngọc Tuệ Nhi đã đọc sõi sàng 4 thứ tiếng, nhận biết trên 50 cờ các quốc gia, biết làm toán, thông thạo các số đếm trong phạm vi 100.
Theo Đời sống & Pháp luật
Đăng nhận xét