Kỹ nghệ khắc chế thủy thần của những người vớt xác trên sông Đồng Nai | Đọc báo 24h,xem tin tức mới,tin tức hàng ngày

Họ là những con người mưu sinh bằng nghề đánh cá ghe trên vùng hạ lưu con sông Đồng Nai 20 năm mưu sinh bằng nghề đánh cá cũng là 20 năm họ tận tâm với việc vớt xác những nạn nhân nhảy cầu tự tử nơi đây.

<> <> Cho dù là có người nhờ hay vô tình phát hiện thấy thây ma trên hành trình đánh cá kiếm sống, họ đều tỉ mẩn vớt những thi thể đáng thương ấy lên bờ rồi trình báo cơ quan chức năng. 20 năm âm thầm hành nghề vớt xác, họ chẳng giờ mong được khen thưởng, ghi công, cũng chẳng cần ai mang ơn đền đáp. Họ là những con người thầm lặng trên khúc sông rải đầy tang thương.

Chuyện về những “khắc tinh” của thủy thần

Về xã Hóa An, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, hỏi những người chuyên hành nghề vớt xác khu vực cầu Hóa An, ai ai cũng đều rõ danh tính các anh. Những con người quanh năm “bán mặt cho sông, bán lưng cho trời” để đổi lấy cuộc sống mưu sinh được biết đến như những “khắc h” của thủy thần. Họ là ân nhân của rất nhiều người vì nhiều lý do đã có ý định dại dột, tìm đường tới cái chết.

Những con người thầm lặng trong suốt 20 năm ấy đều trú ngụ cùng một khu ấp của xã Hóa An, TP. Biên Hòa, bởi thế, họ rất linh hoạt và đồng lòng trong công việc của mình. Khi nhận được điện thoại từ ai đó hay một người trong đội tình cờ phát hiện một thi thể trôi sông, vài ba phút sau, họ tức tốc có mặt đông đủ.

Ngồi nhâm nhi ly trà nóng, kể về công việc 20 năm qua, anh Trần Quốc Dũng (48 tuổi, thành viên nhiều tuổi nhất nhóm) nhớ lại: “Nhóm chúng tôi hợp sức lại vì cùng chung nghề chài ghe đánh cá. Bốn anh em cùng lứa tuổi và cùng ấp nên cũng dễ dàng phối hợp trong công việc. Chúng tôi lớn lên ở khúc sông này và từ nhỏ theo cha mẹ mưu sinh bằng nghề đánh cá. Từ đó đến nay, bốn anh tôi đi vừa mưu sinh ở trên khúc sông Đồng Nai này, vừa làm luôn nghề vớt xác khi có người tự tử xung quanh khu vực”.

Hình ảnh Kỹ nghệ khắc chế thủy thần của những người vớt xác trên sông Đồng Nai số 1

Nhìn ra cây cầu Hóa An xa xa trước mặt, anh Dũng chia sẻ thêm, từ cây cầu này, đã có rất nhiều con người đoạn tuyệt với cuộc sống. Dường như cứ khoảng một tháng lại có một người gieo mình từ đó. Cầu cao đến vậy, khi nhảy xuống, sức ép của nước đánh vào phần ngực đã làm cho họ đuối sức và choáng đi.

Hơn nữa, nước sông ở khu vực này chảy rất mạnh, phần lớn những nạn nhân nhảy xuống từ cây cầu này đều tử vong. Cũng theo anh Dũng mô tả, mặt sông nơi đây rộng, lòng sông sâu, khoảng cách từ hai bên đầu cầu dài hơn 1km nên khi xảy ra sự việc, dù rất cố gắng nhưng không ai có thể cứu được những nạn nhân xấu số này.

Trong 20 năm hành nghề vớt xác, anh Nguyễn Tiến Dũng (41 tuổi) nhớ lại, cũng có nhiều người được cứu. Đó là những lúc nạn nhân nhảy cầu đúng lúc tàu đánh cá hoặc chở hàng của ngư dân đi qua, hoặc lúc người của ông Dũng túc trực gần chân cầu. Còn không, mặc dù nạn nhân vừa nhảy và nghe tiếng kêu cứu của người dân xôn xao nhưng khi ghe của đội ông ra tới nơi, nạn nhân cũng đã chìm dưới dòng nước cuồn cuộn rồi. Khi đó, chỉ còn cách lặn để tìm nơi vớt thi thể lên chứ không còn hy vọng cứu sống được.

Trong 20 năm hành nghề, nhóm vớt xác có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Niềm vui lớn nhất là được những người cứu sống gọi là ân nhân: “Một chút hy sinh, một chút cố gắng của mình có khi cứu sống cả một mạng người. Những người đi đến quyết định này trước đó họ thường gặp phải vấn đề về ức chế tâm lý, khó khăn kinh tế… mà chưa thể tìm ra hướng giải quyết. Trong lúc quẫn trí, họ vội tìm đến cái chết, nhưng khi đã bị dòng nước nhấn chìm, họ mới nhận ra giá trị cuộc sống. Số ít người ở đây may mắn được cứu sống, và từ đó, họ rất quý trọng sự sống của mình. Chúng tôi thấy may mắn khi mình làm được gì đó cho họ”.

Chia sẻ về lần đầu vớt xác khó khăn nhất, anh Dũng kể, đó là lần vớt xác gần đây. Một cô gái vì thất tình, sau khi gọi điện cho người thân, cô gái chạy xe đến cầu Hóa An tự vẫn. Sau khi nhận lời giúp gia đình, các anh đã tích cực lặn tìm trong thời gian 11 ngày mới thấy xác. Bình thường các anh chỉ mất khoảng từ 1-2 ngày lặn tìm, nhưng cô gái này phải đến 11 ngày mới tìm thấy. Đây là vụ vớt xác lâu nhất mà nhóm thực hiện. Xác cô gái được tìm thấy trong một đám lục bình, cách hiện trường 700m. Có lẽ vì mắc trong đó mà nhóm chúng tôi không tìm ra”.

Âm thầm với công việc “không lương”

Chia sẻ về công việc vớt xác, một người khác trong đội vớt xác nói: “Thật ra đội của cúng tôi vốn làm nghề đánh cá và kiêm luôn cả trục vớt tàu bè của ngư dân bị đắm nước. Những người này thuê chúng tôi và họ trả tiền công mỗi khi chúng tôi hoàn thành công việc. Còn chuyện vớt xác xuất hiện như một cái duyên. Trước đây, có một người nhảy cầu, và vì không biết làm sao để tìm xác người đó, người nhà của nạn nhân mới dò hỏi  những người trong khu vực. Biết chúng tôi hành nghề trục vớt xác tàu bè, người ta mới chỉ đến chúng tôi. Sau đó, anh em mới kiêm luôn nghề vớt xác từ đó”.

Sau lần đầu tiên ấy, cứ mỗi lúc trên đoạn sông Đồng Nai có xác chết, đội của anh lại tiến hành tìm kiếm, cố gắng đưa thi thể nạn nhân lên bờ. “Khi tìm thấy xác nạn nhân, gia đình họ không để chúng tôi quá thiệt thòi. Người có nhiều đưa nhiều, người có ít đưa ít, chúng tôi không có đòi hỏi công lênh gì cả. Chúng tôi chỉ mong góp một chút ít sức mình để vong hồn nạn nhân được siêu thoát”, anh Dũng chia sẻ.

Dù không hẳn làm nghề vớt xác kiếm tiền, bởi hàng ngày tất cả các thành viên trong nhóm đều phải tiếp tục hành nghề đánh cá kiếm sống, thế nhưng, dù khi đang mưu sinh, có điện thoại nhờ vớt xác, thì dù bất cứ nơi đâu, đội quân các anh lại gấp rút có mặt.

Anh nhớ lại, khu Hồ Đá (quận Thủ Đức) làng Đại học Quốc gia TP.HCM là nơi đội của anh đã nhiều lần “tác chiến”. Đây là khu vực cảnh sắc tươi đẹp song rất nguy hiểm. Sinh viên các trường đại học trên địa bàn thường xuyên ra tắm và không biết bơi nên dễ bị trầy chân, ngợp nước. Cũng có rất nhiều trường hợp, vì thất tình hay giận dỗi người yêu dẫn đến quyết định nhảy Hồ Đá để tự vẫn. Có lúc nhóm của anh không thể kiềm lòng khi vớt đến hai thi thể cùng một lúc.

“Đây là một công việc nguy hiểm và không phải ai cũng muốn làm”, anh Hoàng (35 tuổi, ấp Đồng Nai, xã Hóa An, TP. Biên Hòa), một người dân địa phương, chia sẻ: “Nhiều lúc thấy các anh lặn xuống để tìm vớt xác, đứng trên bờ mà người tôi nổi hết da gà. Lòng sông Đồng Nai khu vực này rất sâu, nước chảy xoáy, có đá ngầm. Trong khi đó, tiền công chẳng đáng là bao. Tôi nghĩ, phải là những con người tâm huyết thì mới làm được chuyện này thôi”.

Dù công việc vất vả và nguy hiểm là thế, nhưng các anh làm không bao giờ mong được đền đáp, trả công hay ghi ơn. Anh Nguyễn Thành Trung (40 tuổi, một thành viên trong nhóm) thổ lộ: “Cứu được người còn sống là niềm hạnh phúc của chúng tôi, còn nếu không thì chí ít cũng giúp gia đình họ sum họp với nhau về mặt tinh thần. Nghĩa tử là nghĩa tận, nên anh em chúng tôi luôn động viên nhau tận sức, tận lòng”.

Chia sẻ về đội vớt xác trong ấp mình, ông Huỳnh Công Danh (58 tuổi, trưởng ấp Đồng Nai, xã Hóa An) cho biết: “Chúng tôi xác nhận các anh đã làm công việc vớt xác ở khu vực khoảng gần 20 năm nay. Rất nhiều người nhờ đến các anh mỗi khi người thân của họ mất tích hay nhảy sông tự vẫn. Phía địa phương thấy đây là một việc tốt và thời gian tới sẽ trình lên cấp trên khen thưởng để nêu gương người tốt việc tốt cho cộng đồng được biết”.

Thành Trung

Nguồn : Người đưa tin

Đăng nhận xét

 
Top