Một ngày cho áo dài... - Văn hóa - Giải trí - Tuổi Trẻ Online | Đọc báo 24h,xem tin tức mới,tin tức hàng ngày

Các thí sinh dự thi Duyên dáng áo dài tại Lễ hội áo dài lần 2 - Ảnh: Nguyễn Lộc
Các thí sinh dự thi Duyên dáng áo dài tại Lễ hội áo dài lần 2 - Ảnh: Nguyễn Lộc

Đó là con số vừa được ban tổ chức lễ hội (Sở Du lịch TP.HCM phối hợp cùng một số sở, ban ngành) tổng kết.

Lễ hội năm nay mang chủ đề TP.HCM - Thành phố áo dài với nhiều hoạt động như trưng bày, biểu diễn thời trang áo dài, tọa đàm về chiếc áo dài xưa và nay trong cuộc sống, thi vẽ áo dài trên giấy, ảnh đẹp áo dài, duyên dáng áo dài, tư vấn cách chọn và may áo dài đẹp...

Đây là lần thứ hai lễ hội được tổ chức.

Trong cuộc họp báo ngày 27-2, ông Nguyễn Chánh Lộc - phó ban tổ chức lễ hội - nhấn mạnh: "Lễ hội nhằm tôn vinh chiếc áo dài truyền thống và hướng tới mục đích vận động người dân mặc áo dài nhiều hơn trong cuộc sống. Đặc biệt, vận động để TP.HCM có một ngày trong năm mà các công dân TP.HCM cả nữ lẫn nam sẽ cùng mặc áo dài!".

Chia sẻ với ý kiến này, nhà thiết kế Sĩ Hoàng - ban cố vấn của lễ hội - nói: "Tôi mong muốn có sự tác động của các sở, ban ngành để TP.HCM sớm có một ngày dành cho áo dài. Ở Hội An, việc thực hiện thắp đèn lồng vào ngày rằm mỗi tháng đã gây được sự chú ý và rất thu hút khách du lịch. Nếu thành phố chúng ta có một ngày đặc biệt trong năm mà toàn thể người dân mặc áo dài sẽ là hình ảnh đẹp về mặt văn hóa, đẩy mạnh phát triển du lịch, kích hoạt kéo theo nhiều hoạt động kinh tế khác!".

Háo hức tham gia các hoạt động lễ hội trong bộ áo dài nền nã, cô Kiều Nga - chủ nhiệm CLB Bệnh nhân hô hấp TP.HCM - tâm sự: "Trước đó tôi không mặc áo dài vì có tuổi rồi, cơ thể không còn đẹp như xưa nên ngại mặc áo dài vào sẽ không đẹp. Tình cờ, một người bạn tổ chức đám cưới cho con gái và mong muốn tất cả khách mời mặc áo dài. Bạn tôi lôi tôi đi chọn vải và may một chiếc áo dài mới. Hôm đám cưới, tôi bất ngờ vì rất nhiều người khen tôi mặc áo dài đẹp."

"Từ bữa đó, tự nhiên thương luôn áo dài, giờ có đám tiệc gì tôi chỉ toàn mặc áo dài. Chụp hình tải lên Facebook cũng được bạn bè chia sẻ, nhất là các bạn nước ngoài. Tôi nghĩ người phụ nữ VN chắc ai cũng có áo dài nhưng nhiều khi chưa có điều kiện để mặc. Nên tạo điều kiện để chị em có cơ hội diện áo dài."

"Như ở CLB của chúng tôi, khi tôi đề nghị một ngày trong tháng mặc áo dài, mới đầu các hội viên cũng băn khoăn sợ bất tiện nhưng mặc riết rồi cũng quen, giờ tới ngày đó nhìn ai cũng đẹp, cũng nền nã. Bởi vậy nếu TP.HCM có một ngày trong năm dành cho áo dài, toàn dân mặc áo dài thì tôi ủng hộ nhiệt tình!".

Hưởng ứng tinh thần lễ hội năm nay, rất nhiều sở, ban ngành vận động cán bộ - nhân viên nữ mặc áo dài suốt hai tuần hoặc hai ngày trong tuần, từ ngày 2 đến 13-3.

Tuy nhiên, cũng đã có ý kiến từ một số giáo viên dạy mầm non thổ lộ việc mặc áo dài gây bất tiện cho họ trong việc chăm sóc các cháu nhỏ.

Trước những ý kiến băn khoăn, nhà thiết kế Sĩ Hoàng nói: "Trong lịch sử phát triển, áo dài luôn luôn vận động. Qua nhiều thế hệ đã có những cách tân vô cùng độc đáo và ấn tượng. Có thể nói áo dài không có tính chất bảo thủ nên cho đến ngày nay vẫn còn được sử dụng. Hiện tại có khá nhiều mẫu áo dài cách tân nên nếu chúng ta biết chọn chiếc áo phù hợp cũng sẽ không gây khó khăn cho một số công việc đặc thù, ví dụ bạn có thể chọn những chiếc áo tà dài tới gối, tay ngắn, mặc cùng quần ôm rất đẹp, tiện dụng và không gây vướng víu. Ngoài ra, tôi nghĩ ở đây còn do thói quen. Trước đây, vào những năm 1970 người dân ra đường đa số mặc áo dài, ngay cả bà bán rau ngoài chợ vẫn mặc áo dài mà!".

Hiện tại có những ý kiến nên chọn ngày 8-3 hoặc 20-10 là ngày áo dài ở TP.HCM. Ông Sĩ Hoàng đề nghị chúng ta cũng có thể chọn thêm một ngày khác để tránh trùng lặp. Đó có thể là ngày mọi người nghỉ ngơi, không phải làm việc nhiều, một ngày trong mùa thời tiết đẹp, thuận lợi cho khí hậu miền Nam, có thể là một ngày trong các ngày nghỉ tết hoặc lễ Quốc khánh...

Cần sự lan tỏa tự nhiên

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhà thiết kế Sĩ Hoàng cho rằng việc thực hiện một ngày áo dài cho TP.HCM cũng cần phải có lộ trình. Từ công tác tổ chức thành công hai lần lễ hội áo dài, sắp tới là cuộc diễu hành của hàng ngàn người mặc áo dài trong đại lễ kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước, tất cả sẽ tạo nên sự ủng hộ, lan tỏa tự nhiên trong cộng đồng.

* Bạn có ủng hộ ý tưởng một ngày cho áo dài ở TP.HCM? Bạn có những ý tưởng, sáng kiến, góp ý gì để ngày áo dài ở TP.HCM thành hiện thực, có ý nghĩa? Hãy chia sẻ ý kiến của mình qua thăm dò dưới đây, cũng như qua phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết.

<> LINH ĐOAN <>

Đăng nhận xét

 
Top