Phát hiện ngôi sao có thể bay từ Trái Đất tới Mặt Trăng trong 5 phút | Đọc báo 24h,xem tin tức mới,tin tức hàng ngày

Các nhà thiên văn học mới đây đã phát hiện ra ngôi sao bay nhanh nhất trong dải Ngân hà đang di chuyển với vận tốc 1.200 km/s. Với tốc độ này, nó chỉ mất 5 phút để bay từ Trái Đất tới Mặt Trăng.

<> <>


Theo tin tức từ RT, nhờ các kính thiên văn Keck II và Pan-Starrs 1 (có đường kính tới 10 m) trên quần đảo Hawaii, các nhà thiên văn phát hiện ngôi lùn trắng chứa khá nhiều Heli, nguyên tố phổ biến thứ hai trong vũ trụ, cách trái đất khoảng 62.000 năm ánh sáng.

Họ gọi ngôi sao là US 708 và dự đoán nó đang di chuyển với tốc độ khoảng 1.200 km/s. Tốc độ cực lớn ấy khiến nó trở thành "ngôi sao chạy trốn" nhanh nhất trong dải Ngân Hà. Hiện tại nó lang thang vô định chứ không xoay quanh trung tâm của Ngân Hà.

"Với tốc độ này, bạn có thể đi từ Trái Đất lên Mặt Trăng chỉ trong 5 phút", RT hôm 8/3 dẫn lời nhà thiên văn học Eugene Magnier thuộc Đại học Hawaii, nói.

Theo Space, US 708 được coi là ngôi sao nhanh nhất trong dải Ngân hà mà các nhà thiên văn học từng phát hiện. Tốc độ cao sẽ cho phép nó thoát khỏi lực hấp dẫn của thiên hà và tiến vào vùng không gian giữa các thiên hà. Ngôi sao này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2005.

Hình ảnh Phát hiện ngôi sao có thể bay từ Trái Đất tới Mặt Trăng trong 5 phút số 1

Thông thường, những ngôi sao có tốc độ nhanh này có điểm tương đồng với Mặt Trời và chậm hơn US 708. Chúng được cho là từng có một cặp. Khi một ngôi sao bị hút vào hố đen siêu lớn ở trung tâm dải Ngân hà, thành viên còn lại sẽ được giải phóng khỏi toàn bộ thiên hà đó.

Tuy nhiên, các nhà thiên văn rằng US 708 có quan hệ gần gũi với một ngôi sao khác, thậm chí gần đến mức hố đen cũng không thể tách rời chúng. Theo giả thiết hiện nay, trước khi di chuyển qua dải ngân hà, US 708 từng là một ngôi sao mát khổng lồ, nhưng bị một ngôi sao quay quanh nó hút mất gần hết hydro. Các nhà khoa học nghi ngờ việc này khiến ngôi sao đồng hành phát nổ.

Tiên sĩ Eugene và các đồng nghiệp dự đoán US 708 sẽ rời khỏi dải Ngân Hà trong khoảng 25 triệu năm nữa.

Những ngôi sao như mặt trời xoay xung quanh trung tâm của Ngân Hà vì chúng chịu lực hút của thiên hà. Tốc độ di chuyển quanh dải Ngân Hà của những ngôi sao bình thường chỉ đạt khoảng vài chục tới vài trăm km mỗi giây. Để thoát khỏi lực hút của thiên hà, ngôi sao phải vượt qua "vận tốc thoát". Trong dải Ngân Hà, vận tốc thoát là 600 km/s - chỉ bằng một nửa so với vận tốc của US 708.

Yên Yên (RT, Daily Mail)

Nguồn : Người đưa tin

Đăng nhận xét

 
Top